Lưu Tuyết Trân là em bé được ra đời bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm đầu tiên tại Việt Nam. Ngày 27/4/2023, buổi kỉ niệm 25 năm ngày ra đời của 3 đứa trẻ thụ tinh ống nghiệm đầu tiên tại Việt Nam. Tại buổi lễ, bao trùm là không khí xúc động của những cuộc hội ngộ thân thương, những câu chuyện đầy thách thức và gian nan trong quá trình tìm con đã được kể lại sau một khoảng thời gian dài.
Lưu Tuyết Trân biết bản thân là một em bé được chào đời nhờ một cách đặc biệt đó là nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Càng lớn, Trân càng cảm nhận sâu sắc niềm hy vọng, khát khao , nỗi vất vả trong hành trình mong con của các gia đình. Và bản thân Trân may mắn nhờ IVF mà được tận hưởng niềm vui trọn vẹn cùng ba mẹ mình.
Người mẹ đã sinh ra “em bé ống nghiệm” đầu tiên Lưu Tuyết Trân là cô Trần Thị Bạch Tuyết (58 tuổi, quê Tiền Giang). Kể từ ngày Trân chào đời, tới nay cũng được hơn 20 năm, chứng kiến quá trình con trưởng thành, lớn lên từng ngày, cô Tuyết không khỏi xúc động khi nhớ lại. Vợ chồng cô đi chạy chữa hiếm muộn cũng 5-6 năm ở khắp nơi nhưng không có kết quả. Đến khi một người chị bên chồng của cô quen với bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng là giáo sư, bác sĩ kiêm giám đốc Bệnh viện có tiếng về sản khoa thời điểm ấy.
Sau kiểm tra nội soi, cô Tuyết bị chẩn đoán vòi trứng bị tắc một bên. Thời điểm ấy, tại Việt Nam thụ tinh ống nhân tạo vẫn là một phương pháp còn khá mới lạ với y học Việt Nam. Và khi được bác sĩ Phượng gợi ý có thể đăng ký có con bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Cô Tuyết cũng phân vân đắn đo rất nhiều bở tại Việt Nam lúc đó chưa có bất kỳ trường hợp nào áp dụng phương pháp này. Bác sĩ cũng cảnh báo rủi ro về việc có thể đau đớn nhiều trong quá trình chọc hút trứng. Không ai cam đoan rằng phương pháp này sẽ thành công tuyệt đối cả, thậm chí có thể thất bại. Cô Tuyết chia sẻ: “Tôi sẵn sàng đón nhận, lựa chọn điều đó, chỉ để có được con”.
Trong quá trình làm IVF luôn đối mặt những thử thách, nhưng bằng sự kiên trì, can đảm, mạnh mẽ, gia đình cô Tuyết cuối cùng cũng đón tin vui về việc thụ tinh thành công, phôi đậu thành thai. Thành quả của quá trình mang thai là vào ngày 30/4/1998, “em bé ống nghiệm” Lưu Tuyết Trân đã chào đời trong niềm hạnh phúc vô bờ bến của gia đình.
Những tưởng rằng niềm vui được trọn vẹn thì 2 năm sau chồng cô Tuyết bị bạo bệnh mà qua đời. Mất đi trụ cột gia đình, cô Tuyết trở thành mẹ đơn thân. Nhiều lúc cũng chạnh lòng nhưng vì lấy con làm động lực cố gắng bước tiếp, dành trọn tình yêu thương cho con. Bởi vậy mà cô Tuyết còn không dám cho Trân đi học đại học xa ở Sài Gòn, sợ cô không được chăm sóc tốt. Trân chia sẻ mãi đến những năm cuối cấp 2, cô mới biết mình được sinh ra như thế nào.
Ban đầu vẫn luôn có những nỗi sợ nhất định về việc mọi người có những suy nghĩ “lạ” về mình, nhưng lớn dần lên, Tuyết Trân càng tự hào vì được sinh ra bằng cách đặc biệt, là minh chứng rõ ràng nhất cho bước ngoặt của ngành điều trị hiếm muộn tại Việt Nam.
Nguồn bài: Báo Dân Trí – Sức khỏe
Miễn trừ trách nhiệm: Các bài viết của IVF Center chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.