1. Tế bào gốc tự thân
1.1. Tế bào gốc tự thân là gì?
Tế bào gốc tự thân là các tế bào gốc được lấy từ chính cơ thể của một người để sử dụng trong điều trị y tế. Đây là loại tế bào gốc có khả năng phân chia, tái tạo và biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác nhau trong cơ thể, như tế bào máu, tế bào da, tế bào xương, tế bào cơ,… giúp thay thế và sửa chữa các tế bào hoặc mô bị tổn thương, hỗ trợ giúp điều trị một số bệnh nan y nguy hiểm.
1.2. Đặc điểm của tế bào gốc tự thân
Tế bào gốc tự thân tương tự tế bào gốc thông thường, có khả năng tự tái tạo, nghĩa là chúng có thể phân chia và sinh sôi thành nhiều tế bào mới trong một thời gian dài.
Những tế bào này có thể biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác nhau, như tế bào cơ, tế bào da, tế bào xương, hoặc tế bào thần kinh, tùy thuộc vào mục tiêu điều trị.
Vì tế bào gốc tự thân được lấy từ chính cơ thể người bệnh, nguy cơ bị đào thải hoặc gây phản ứng miễn dịch là rất thấp so với tế bào từ người khác.
1.3. Nguồn gốc của tế bào gốc tự thân
Tế bào gốc tự thân có thể được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau trong cơ thể, bao gồm:
- Tủy xương: Là nguồn chứa nhiều tế bào gốc tạo máu, thường được dùng trong điều trị các bệnh lý về máu.
- Mô mỡ: Mô mỡ chứa nhiều tế bào gốc trung mô, có khả năng biệt hóa thành các tế bào mỡ, xương, sụn, và được ứng dụng rộng rãi trong điều trị bệnh lý cơ xương khớp và y học thẩm mỹ.
- Máu ngoại vi: Tế bào gốc trong máu ngoại vi cũng có thể được thu thập sau khi kích thích bằng các chất thúc đẩy sự di chuyển của tế bào gốc từ tủy xương ra máu.
2. Ứng dụng của tế bào gốc tự thân
Tế bào gốc tự thân được sử dụng trong y học, từ điều trị các bệnh lý về máu (như ung thư máu) đến các bệnh lý xương khớp, da liễu, và thẩm mỹ. Với các bệnh ung thư như ung thư bạch cầu, ung thư tủy xương, ung thư gan, thì tế bào gốc tự thân có thể tự tái tạo các tế bào đã bị hủy hoại trong quá trình xạ trị, hóa trị,… Chúng giúp phục hồi mô tổn thương, giảm viêm và cải thiện chức năng của các cơ quan bị suy yếu.
Ngoài ra với các bệnh liên quan tim mạch, tế bào gốc tự thân sẽ giúp hồi phục các hư tổn của tim sau tim có cơn đau hoặc nhồi máu cơ tim. Với các bệnh về thần kinh như bệnh Alzheimer, bệnh đa xơ cứng,… tế bào gốc tự thân giúp khôi phục chức năng thần kinh và ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.
Sử dụng tế bào gốc tự thân trong điều trị không chỉ mở ra cơ hội chữa trị cho nhiều bệnh lý khó khăn mà còn giảm nguy cơ phản ứng miễn dịch và biến chứng liên quan đến tế bào gốc từ người khác.
3. Cấy ghép tế bào gốc tự thân
3.1. Cấy ghép tế bào gốc tự thân là gì?
Cấy ghép tế bào gốc tự thân là một phương pháp trong y học tái tạo, trong đó tế bào gốc của chính bệnh nhân được thu hoạch, xử lý, và đưa trở lại cơ thể để điều trị các bệnh lý khác nhau hoặc thúc đẩy quá trình phục hồi. Dưới đây là những thông tin chi tiết về vai trò, chi phí, và các phương pháp của cấy ghép tế bào gốc tự thân.
Cấy ghép tế bào gốc tự thân là việc lấy tế bào gốc từ chính cơ thể bệnh nhân để tái cấy vào cơ thể nhằm điều trị hoặc hỗ trợ phục hồi các chức năng bị suy giảm. Tế bào gốc này có khả năng biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác nhau và tự tái tạo, nhờ đó góp phần phục hồi các mô và cơ quan tổn thương, giảm viêm, và kích thích tái tạo.
Mục tiêu của cấy ghép tế bào gốc tự thân đối với ứng dụng điều trị các bệnh hiểm nghèo như ung thư đó là khôi phục khả năng tạo ra các tế bào máu bình thường của cơ thể sau khi hóa trị hoặc xạ trị liều cao. So với các phương pháp điều trị tiêu chuẩn thì phương pháp điều trị chuyên sâu như vậy sẽ tiêu diệt tế bào ung thư tốt hơn. Tuy nhiên những phương pháp điều trị liều cao này rất độc hại và có khả năng phá hủy các tế bào gốc tạo máu trong tủy xương. Do đến các tế bào gốc đều phải được loại bỏ trước khi điều trị để chúng có thể được điều trị bên ngoài cơ thể và được tái sử dụng sau khi điều trị để tạo ra các tế bào máu mới trong tủy xương.
3.2. Quá trình cấy ghép tế bào gốc tự thân
Quá trình cấy ghép tế bào gốc tự thân được thực hiện với 5 bước như sau:
- Bước 1: Tới bệnh viện để tiến hành khám, xét nghiệm và được tư vấn cụ thể, chi tiết về phương pháp điều trị phù hợp từ các chuyên gia. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể cần trải qua hóa trị hoặc xạ trị để loại bỏ các tế bào bệnh lý trong cơ thể, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho tế bào gốc tự thân phát triển sau khi cấy ghép.
- Bước 2: Thu mẫu tế bào gốc tự thân đem xử lý trong phòng thí nghiệm để loại bỏ các tạp chất hoặc các tế bào không cần thiết. Trong một số trường hợp, tế bào gốc có thể được nuôi cấy và nhân lên để tăng số lượng trước khi đưa vào cơ thể. Tế bào gốc sau khi xử lý sẽ được lưu trữ trong điều kiện lạnh hoặc đông đá nếu cần thiết, chờ đợi quá trình cấy ghép chính thức.
- Bước 3: Điều trị bệnh bằng hóa trị, xạ trị, uống thuốc,… nhằm loại bỏ tế bào gây bệnh
- Bước 4: Tiêm tế bào gốc tự thân vào cơ thể
- Bước 5: Theo dõi, thăm khám và phục hồi sau điều trị, đánh giá kết quả sau điều trị.
Thông thường, quá trình cấy ghép tế bào gốc tự thân sẽ kéo dài khoảng 2-3 tháng. Trong đó, quá trình nuôi cấy tế bào gốc mất khoảng 2-3 tuần tùy thuộc vào số lượng tế bào gốc cần thu thập trong điều trị bệnh.
Miễn trừ trách nhiệm: Các bài viết chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.