Có rất nhiều câu chuyện với các cung bậc cảm xúc khác nhau về hành trình “đi tìm con” của các cặp vợ chồng hiếm muộn. Đặc biệt, câu chuyện về hành trình 8 năm chạy chữa mong con của vợ chồng Thượng úy Nguyễn Thị Hạnh và Thượng úy Ngô Văn Cường cùng công tác tại Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng) xúc động hơn hết.
Nên duyên vợ chồng được 8 năm, đối với nhiều gia đình ngoài kia, có thể việc có được mụn con không quá khó khăn, nhưng với vợ chồng chị Hạnh, anh Cường lại là cả bầu trời đầy nỗ lực cố gắng đương đầu với những thử thách liên tiếp ập tới.
Chị Hạnh khoác trên mình bộ quân phục nghiêm trạng nhưng không thể che giấu được đôi vai gầy với nhiều tâm sự. Đôi mắt đượm buồn ấy đã trải qua không biết bao biến cố của cuộc đời. Vợ chồng anh Cường, chị Hạnh cưới nhau từ năm 2014 nhưng mãi vẫn không thấy có con. Anh chị quyết định đi khám để xem sức khỏe vợ chồng có vấn đề gì, thì phát hiện anh Cường tinh trùng yếu.
Vợ chồng anh chị cố gắng hỏi thăm, chạy chữa khắp nơi, 3 lần làm IVF thì có tới 2 lần chuyển phôi thất bại. Tưởng rằng lần thứ 3 sẽ thành công chào đón đứa con mà anh chị ngày đêm ao ước, mong chờ. Thế nhưng sự việc không hay đã xảy ra khi quyết định cho vợ về quê dưỡng thai. “Hay tin vợ đậu thai, tôi mừng lắm. Chúng tôi mong ngày mong đêm thai vào tử cung, rồi lại mong ngóng đến ngày siêu âm nghe thấy tim thai… Cứ chờ đợi từng bước như vậy”, anh Cường nói. Ở Hà Nội theo dõi thai đến tháng thứ 5, chị Hạnh gọi điện cho chồng muốn về nhà. “Tôi đồng ý cho vợ về quê và không ngờ đó là sai lầm rất nghiêm trọng”, anh Cường day dứt kể lại.
Khi thai kỳ đến tháng thứ 6, một hôm chị Hạnh đau bụng dữ dội, anh Cường mau chóng đưa chị tới bệnh viện cách nhà khoảng 10km để cấp cứu. Nhận thấy dấu hiệu bất thường, phải chuyển viện nên anh chị lên đường hành trình 100km với hy vọng mong manh. “Nhưng tới nơi, vợ tôi được chẩn đoán có nguy cơ vỡ tử cung, buộc phải cho sinh nếu không sẽ nguy hiểm tính mạng cả hai mẹ con, mọi thứ như sụp đổ trước mắt”, anh Cường buồn rầu kể lại. Em bé bị sinh non nằm trong vòng tay anh Cường đưa sang Bệnh viện Sản – Nhi Nghệ An đưa vào lồng ấp. Điều anh Cường có thể làm duy nhất lúc ấy là cầu nguyện và hy vọng vì đứa bé còn quá non tháng.
Kết quả, sau 2 ngày các y bác sĩ nỗ lực theo dõi và chăm sóc nhưng lời cầu nguyện không thành, sức khỏe em bé xấu đi rất nhanh. Anh Cường vẫn nhớ khoảnh khắc vào thăm con lần cuối nước mắt giàn giụa vỗ về con, chà vào lòng bàn tay bé nhỏ của con, thấy con có phản xạ, anh khẽ nói: “Con cố lên, mẹ sắp sang với con rồi”. 2 giờ sáng, nhận được điện thoại của bác sĩ, nói con đã mất. Lúc đó tôi sụp đổ tất cả. Biết nói thế nào với vợ đây, cô ấy rất yếu, không thể chịu đựng nổi”, anh Cường chua xót nhớ lại. Chị Hạnh biết tin đứa con nhỏ không còn, chị suy sụp đến mức trầm cảm. Chị Hạnh nghẹn ngào trải lòng: “Bao khó khăn cũng vì con mà vượt qua tất cả. Năm 2018 được nghe nhịp tim đập của con thấy rất hạnh phúc. Nhưng từ đó đến giờ, niềm hạnh phúc đó đã xa vời với vợ chồng mình”.
Sau ngày đó 1 tháng, anh Cường lại tái phát bệnh viêm đa dây thần kinh, phải đi điều trị dài ngày. Quá nhiều nỗi đau, mất mát và thử thách, kinh phí chữa trị cũng đã eo hẹp. Từ đó cũng đã 4 năm trôi qua, tưởng như từ bỏ hy vọng mong con. Thì vào một ngày đẹp trời tháng 12/2022, anh chị nhận được tin vui khi được một bệnh viện có tiếng miễn phí 100% thụ tinh trong ống nghiệm cho anh chị. Cả hai vợ chồng ôm nhau khóc, niềm hy vọng lại thắp lên sau nhiều năm tuyệt vọng.
Hành trình tìm con của các cặp vợ chồng “khó” có con luôn gian nan, đầy cung bậc cảm xúc thăng trầm. Nhưng chúng tôi mong rằng các gia đình luôn vững tin, kiên trì, nhẫn nại sẽ có ngày được hái trái ngọt.
Nguồn bài viết: Phép màu trên hành trình tìm con | Báo Dân trí
Miễn trừ trách nhiệm: Các bài viết của IVF Center chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.